Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã tích cực tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN). Qua đó, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sành sứ, thủy tinh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Chủ động nghiên cứu
Năm 2018, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã có bước tăng đột biến về doanh thu, tăng 236,24% so với năm 2017. Đóng góp chính vào doanh thu của Viện bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu, dịch vụ KH&CN. Đối với nghiên cứu KH&CN, năm 2018, Viện đã mở ra hướng nghiên cứu mới tập trung về chế biến nguyên vật liệu. Với dịch vụ khoa học, doanh thu có được do bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm Cyclone thủy lực, trống sứ cách điện và kinh doanh thiết bị thí nghiệm chuyên ngành sành sứ – thủy tinh.
Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ; dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Đồng thời, hợp tác thực hiện nghiên cứu, phát triển công nghệ với một số công ty sản xuất trong ngành về nghiên cứu men tự làm sạch sử dụng cho sản xuất gốm sứ – thủy tinh công nghiệp. Các đề tài điển hình gồm: Nghiên cứu sử dụng SiO2 hoạt tính sản xuất sứ cách điện nhằm làm tăng cường độ cho sứ cách điện từ 35kV trở lên; nghiên cứu thiết kế chế tạo máy tráng men bán tự động dùng sản xuất sứ dân dụng cao cấp; nghiên cứu công nghệ sản xuất tấm gốm làm đầu đốt hồng ngoại; nghiên cứu ứng dụng silica siêu mịn từ tro trấu để giảm nhiệt độ nung trong sản xuất sứ dân dụng cao cấp v.v.
Ngoài ra, Viện đã thực hiện các dịch vụ phân tích cho các đơn vị khai thác, chế biến nguyên liệu trong nước; nhà máy gạch ốp lát; nhà máy sứ dân dụng và sứ vệ sinh. Đặc biệt, bước đầu đưa vào triển khai dịch vụ phân tích và kiểm định mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm v.v.
Đầu tư trang thiết bị
Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp có tổng diện tích hơn 5.000m2 với đầy đủ trang thiết bị thí nghiệm bao gồm: Nhóm thiết bị phân tích thành phần hóa, cỡ hạt, các tính chất cơ, nhiệt; hệ thống lò nung và các thiết bị sản xuất quy mô pilot khác.
Hệ thống Cyclone được lắp đặt và vận hành tại Công ty CP Trung Thành
Đáng chú ý, ngày 28/10/2016, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 4312/QD-BCT phê duyệt Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu và kiểm định sành sứ – thủy tinh thuộc Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp, nhằm tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu và kiểm định của Viện. Cụ thể, xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành với hệ thống các thiết bị đồng bộ, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, từ gia công chế biến nguyên liệu, phân tích thành phần hóa học, cấu trúc, nhiệt; đo đạc, kiểm tra các đặc tính cơ lý của nguyên liệu, vật liệu thuộc ngành sành sứ – thủy tinh công nghiệp v.v.
Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét giao nhóm các đề tài và dự án nghiên cứu KH&CN về gốm sứ cách điện, cách nhiệt, vật liệu tiên tiến khác như mực in gốm kỹ thuật số, công nghệ sản xuất gốm ứng dụng công nghệ in 3D; hỗ trợ xây dựng phòng thử nghiệm VILAS về gốm sứ – thủy tinh công nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 17025 v.v.
Viện Nghiên cứu Sành sứ – Thủy tinh Công nghiệp sẽ nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ và phát triển dịch vụ có thế mạnh: thương mại hóa công nghệ đã hoàn thiện và tăng cường năng lực nghiên cứu.
Nguồn: https://khcncongthuong.vn/