Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc trực tuyến cùng các viện nghiên cứu thuộc Bộ
Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn
Mục tiêu của buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các viện nghiên cứu thuộc Bộ trong thời gian qua và xác định phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2030. Qua đó, phát huy vai trò của hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trong thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ quá trình xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển ngành gắn với yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cũng như toàn ngành.
Cùng tham gia buổi làm việc có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng; đại diện lãnh đạo các Vụ: Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ và đại diện lãnh đạo của 13 viện nghiên cứu thuộc Bộ.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hoà
Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – đơn vị được giao đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương đã có báo cáo đánh giá một cách toàn diện về hiện trạng của các Viện cũng như những kết quả, đóng góp chủ yếu từ hoạt động của các Viện trong phát triển KH&CN nói riêng và phát triển ngành Công Thương nói chung.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa (chưa kể các viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty ngành Công Thương và một số tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ). Đây đều là những tổ chức KH&CN đầu ngành có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển từ 35 đến 60 năm; có lĩnh vực nghiên cứu KH&CN độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Trong thời gian qua, các Viện thuộc Bộ đóng vai trò quan trọng trong triển khai chiến lược và các chương trình KH&CN lớn của Bộ. Từ kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án KH&CN của Bộ, với định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hoạt động của các viện đã được mở rộng theo hướng tăng cường cung cấp dịch vụ KH&CN, chuyển giao công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp trong ngành thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh.
Kết quả này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tự chủ, cũng như sự phát triển của các viện nghiên cứu thuộc Bộ, tạo nguồn lực để các viện tiếp tục phát triển tiềm lực KH&CN, tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời đảm bảo duy trì và nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Trần Việt Hoà thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các viện nghiên cứu thuộc Bộ. Cụ thể, tập trung vào các vấn đề như: Cơ chế, chính sách cho hoạt động của tổ chức KH&CN công lập; phát triển nguồn nhân lực KH&CN; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao tiềm lực KH&CN; chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN…
Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã tập trung đánh giá, phân tích tình hình hoạt động của các viện nghiên cứu thuộc Bộ trong giai đoạn 2018-2020, đánh giá những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động của các viện, trên cơ sở đó xác định phương hướng hoạt động của các viện trong giai đoạn 2021-2030. Đại diện lãnh đạo 13 viện nghiên cứu đã trao đổi, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN ngành Công Thương
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những kết quả và đóng góp của các viện trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ đối với các viện trong giai đoạn tiếp theo khi ngành Công Thương đẩy mạnh việc thực hiện quá trình tái cơ cấu với định hướng lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Bộ trưởng nhấn mạnh, các Viện phải tập trung nghiên cứu để có những sản phẩm khoa học và công nghệ mang tầm quốc gia, khu vực và được ứng dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn; làm tốt vai trò tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển ngành, trước mắt cho giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời, các viện phải là các đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp từng bước nâng cấp công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; hoạt động nghiên cứu KH&CN phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu các viện tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể: Tập trung xây dựng và phê duyệt Chiến lược phát triển của đơn vị trong giai đoạn 2021 – 2030 phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu tái cơ cấu ngành; phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, gắn chặt với xu hướng phát triển KH&CN trên thế giới, đặc biệt là yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, xây dựng và triển khai Kế hoạch KH&CN giai đoạn trung hạn 2021-2025 và dài hạn 2025-2030. Tham gia tích cực và tăng cường chất lượng trong công tác tham mưu xây dựng chính sách, chiến lược; xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai có hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Xây dựng và phát triển năng lực đảm bảo việc tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ, đặc biệt gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, hướng tới việc làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của công nghiệp 4.0; hình thành các tài sản trí tuệ của viện (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích); đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm, đưa kết quả KH&CN vào thực tiễn thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của viện.
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ tổ chức, bộ máy hoạt động của các viện, bám sát vào Chiến lược phát triển của viện giai đoạn 2021 – 2030; tập trung vào những giá trị cốt lõi của viện, phát huy thế mạnh đặc thù. Đảm bảo mô hình hoạt động tinh gọn, hiệu quả, chất lượng và chuyên nghiệp; hướng tới việc áp dụng hệ thống quản trị hiện đại.
Ngoài ra, xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, cơ cấu ưu tiên; trong giai đoạn chuyển giao và khó khăn về nhân lực của các viện, cần có hình thức sử dụng chuyên gia có trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời từng bước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ; phát triển mạng lưới, tăng cường công tác hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng yêu cầu các viện cần rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị công nghệ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Theo đó, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư trong giai đoạn trước, làm rõ ưu tiên của đơn vị trong xây dựng, triển khai các dự án thuộc Danh mục dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt; đầu tư của các đơn vị phải gắn với Chiến lược phát triển viện; đồng thời, xác định nhu cầu tiếp tục đầu tư của viện trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu triển khai Chiến lược phát triển của viện.
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu chủ động phối hợp với các viện rà soát các vướng mắc, khó khăn để sớm có giải pháp, kiến nghị cụ thể đối với Bộ, các cơ quan chức năng nhằm phát huy vai trò của hệ thống tổ chức KH&CN ngành Công Thương, để KH&CN thực sự trở thành giải pháp đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.