Bên cạnh những điểm thuận lợi, quá trình thực thi chính sách, quy định pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Bộ Công Thương đã cho thấy những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, chủ yếu do sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các quy định về hoạt động KH&CN, các tổ chức KH&CN với các quy định có liên quan, dẫn tới nhiều chính sách ban hành mang ý nghĩa đột phá nhưng trên thực tế triển khai thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như sau:
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 dành riêng một Chương để quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trong đó, quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của cá nhân hoạt động KH&CN, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài KH&CN, ưu đãi trong sử dụng nhân lực, nhân tài về KH&CN và chính sách thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài. Chính phủ và các cơ quan đã có các quy định cụ thể, hướng dẫn quy định về phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Mặc dù vậy, trình độ của cán bộ KH&CN, đặc biệt trong các tổ chức KH&CN còn hạn chế, tình trạng chảy máu chất xám trong các tổ chức KH&CN công lập hiện nay đang diễn ra hết sức phổ biến.
Trình độ của cán bộ KH&CN, đặc biệt trong các tổ chức KH&CN còn hạn chế. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vướng mắc chủ yếu hiện nay nằm ở các chính sách, quy định liên quan tới chế độ tiền lương, thu nhập cũng như vấn đề đãi ngộ đối với nhân lực khoa học và công nghệ trong các tổ chức khoa học và công nghiệp. Trong báo cáo đánh giá hoạt động của các Viện thuộc Bộ Công Thương, hầu hết các Viện còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng nhân lực KH&CN, chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới KH&CN; đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều Viện đang trong giai đoạn chuyển giao giữa các thế hệ, lực lượng cán bộ nghiên cứu phần lớn có tuổi đời còn trẻ, có trình độ, nhiệt tình trong công việc, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu cũng như thực tế sản xuất. Hầu hết các Viện đều có kiến nghị về việc điều chỉnh cơ chế, chính liên quan tới tiền lương, tiền công của các nhà nghiên cứu, cán bộ KH&CN. Điều này nằm tập trung ở các nhóm chính sách:
– Chế độ tiền lương theo ngạch bậc và việc giới hạn mức trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tối đa ở mức 03 lần đối với các tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên; thấp hơn ở các tổ chức KH&CN có mức độ tự chủ thấp hơn.
– Phương thức tính tiền công đối với các thành viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN không xem xét tới tính đặc thù của hoạt động lao động khoa học, đồng nhất với các loại hoạt động khác; không dựa trên trình độ và năng lực của các cá nhân tham gia; xét tương quan với quy định về định mức ngày công chuyên gia của các tổ chức quốc tế đang áp dụng cho chuyên gia của Việt Nam thì mức chi hiện nay rất thấp; tiền công theo quy định không phản ánh thực tế chi trả của xã hội cho công lao động của các cán bộ khoa học, đặc biệt là các chuyên gia.
– Thiếu cơ chế trả lương cho cán bộ hoạt động KH&CN theo vị trí, việc làm cũng như quy định về việc thuê lao động hoạt động chuyên môn tại các tổ chức công lập nói chung và tổ chức khoa học và công nghệ nói riêng. Điều này làm hạn chế khả năng huy động, sử dụng đội ngũ chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm bổ sung cho nguồn lực bị giới hạn của các tổ chức KH&CN hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thăm và làm việc tại Viện Công nghiệp thực phẩm
Quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập
Mặc dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 06 năm 2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, với nhiều điều chỉnh, sửa đổi so với quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP trước đây, song trong quá trình thực hiện, các tổ chức KH&CN công lập vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc chuyển đổi chưa mang lại hiệu quả thực sự cho đơn vị. Việc nhìn nhận quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình hoạt động doanh nghiệp giống như mô hình của các doanh nghiệp thông thường là chưa phù hợp đối với các tổ chức KH&CN do vừa phải đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức KH&CN công lập, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ như đối với doanh nghiệp. Các tổ chức KH&CN công lập vừa phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao về phát triển KH&CN, đòi hỏi nhiều thời gian, tích lũy nguồn lực.
Rõ ràng, các chính sách hiện tại chưa tạo ra động lực thực sự để thúc đẩy quá trình tự chủ của các đơn vị KH&CN công lập. Ngoài ra, các vướng mắc còn do các quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý, ưu đãi hỗ trợ còn thiếu đồng bộ. Các quyền tự chủ của các đơn vị về quản lý tài sản, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự, người lao động, v.v… chưa cụ thể, rõ ràng nhằm khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh áp dụng cơ chế tự chủ.
– Chưa được tự chủ về bộ máy tổ chức, nhân sự, và trả lương theo nhu cầu tuyển người xuất phát từ công việc, cũng như trả thu nhập xứng đáng cho người lao động có trình độ chuyên môn cao. Cơ chế chi trả tiền lương cho cán bộ, viên chức và người lao động tại các Viện vẫn theo hệ số, cấp bậc, chưa theo vị trí công việc, hiệu quả công việc, nên chưa thực sự khuyến khích được tính năng động, sáng tạo, tinh thần công hiến và làm việc của người lao động, đặc biệt là chưa có những chính sách đãi ngộ thích đáng nhằm thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Trong khi đó, với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường lao động, dễ xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”, gây mất ổn định đội ngũ nhân lực KH&CN, ảnh hưởng các kế hoạch phát triển trước mắt cũng như lâu dài của các Viện.
– Chưa tự chủ về quản lý và sử dụng tại sản: do chưa được giao tài sản và quyền sử dụng đất, nên các Viện không thể dùng tài sản để huy động vốn, liên doanh, liên kết trong việc đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Với nguồn vốn hạn chế, các Viện gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng, phát triển lĩnh vực hoạt động.
– Chưa tự chủ về tài chính: việc phân bổ lợi nhuận sau thuế cho các Quỹ của Viện bị hạn chế bởi mức độ tự chủ; kể cả đối với các đơn vị tự chủ chi thường xuyên, quy định hiện tại về phân bổ cho quỹ bổ sung thu nhập chưa đủ hấp dẫn đối với người lao động. Các quy định về việc áp dụng chế độ tài chính như doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khiến việc hạch toán chi phí sản xuất đối với các Viện có phần thu từ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh thiếu tính cạnh tranh.
– Về các ưu đãi đối với các các tổ chức tự chủ về chi thường xuyên, chi đầu tư, thực hiện cổ phẩn hóa, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có, nhưng khâu hướng dẫn và tổ chức thực hiện còn vướng. Một số Viện chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về giảm, giãn nộp thuế như đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ.