Gạch ốp lát là vật liệu dùng cho xây dựng được hình thành, phát triển và phổ biến lâu đời trên thế giới. Từ những công trình cổ xưa cho đến các công trình hiện đại như các trung tâm thương mại, nhà ở v.v. đều sử dụng vật liệu này. Có thể nói, sự xuất hiện của các loại gạch ốp lát là một trong những phát minh vĩ đại của thế giới trong ngành vật liệu xây dựng.
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả ngành sản xuất gạch ốp lát. Để tăng tính cạnh tranh, song song với việc cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng thì sản phẩm gạch ốp lát phải tăng tính thẩm mỹ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm gạch ốp lát đa phần được phủ lớp men trang trí, lớp men này làm tăng tính thẩm mỹ, giúp sản phẩm chống bụi bẩn và có tác dụng làm tăng một số tính chất kỹ thuật cho sản phẩm như: độ cứng, độ bóng, độ chịu mài mòn, độ bền cơ v.v. Gần đây, dòng sản phẩm gạch mang hiệu ứng “hạt đường” được ưa chuộng vì tạo hiệu ứng trang trí độc đáo đem lại giá trị thẩm mỹ cao. Gạch này được phủ một lớp men đặc biệt tạo trên bề mặt gạch các hạt nhỏ li ti trong suốt, khi có nguồn sáng chiếu vào gây ra hiện tượng khúc xạ làm bề mặt gạch trở lên óng ánh đẹp mắt giống như được rải một lớp hạt đường. Mặt khác, cũng nhờ các hạt li ti này mà bề mặt gạch có độ nhám, có tác dụng chống trơn trượt, gạch có độ cứng và độ bền mài mòn cao.
Hiện nay, các công ty sản xuất gạch ốp lát sử dụng men hạt đường đều nhập từ các hãng nước ngoài như Trung Quốc, Ý, Mỹ v.v. với giá thành cao. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đề xuất với Bộ Công Thương đăng ký thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất men tạo hiệu ứng “hạt đường” sử dụng trong sản xuất gạch ốp lát” với mong muốn tạo ra được dòng men hạt đường thay thế sản phẩm nhập ngoại đáp ứng nhu cầu thực tế tại các nhà máy sản xuất gạch ốp lát trong nước.
Mục tiêu nghiên cứu:
– Đề xuất được quy trình công nghệ sản xuất men tạo hiệu ứng hạt đường;
– Chế thử được 20kg frit men hạt đường đạt tiêu chuẩn với nhiệt độ nung dưới 1200oC và độ chịu mài mòn đạt cấp IV (theo TCVN 6415 – 2005).
Nội dung nghiên cứu:
– Khảo sát, lựa chọn nguyên liệu;
– Nghiên cứu đơn phối liệu frit hạt đường và quy trình tạo frit;
– Nghiên cứu thành phần hạt tạo đơn men hạt đường;
– Sản xuất thử nghiệm tại nhà máy, đánh giá chất lượng.
Phương pháp nghiên cứu:
– Sử dụng phương pháp thu thập số liệu từ sách báo, tạp chí, tài liệu chuyên ngành để có đánh giá tổng quan về men hạt đường;
– Dùng phương pháp thực nghiệm xác định đơn phối liệu tối ưu để tạo men hạt đường;
– Sử dụng các thiết bị, dụng cụ phân tích để khảo sát các tính chất của nguyên liệu, phối liệu, sản phẩm.
Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp